Huawei đang đứng ở đâu tại Việt Nam?
Trong vài năm trở lại đây, Huawei đã cho thấy sự ảnh hưởng của mình tại đất nước hình chữ S. Hãng này liên tiếp tung ra nhiều sản phẩm với mức giá rẻ để hòng chiếm lấy thị phần.
Rõ nét nhất là từ năm 2017, họ vẫn dẫm châm tại chỗ với mức dưới 3% nhưng đến năm 2018, những chiến lược kinh doanh mới cũng như những khoản đầu tư mạnh mẽ vào marketing, 9 tháng đầu năm 2018 họ chiếm được 4,2% thị phần. Đến đầu năm 2019, Huawei tiếp tục tăng trưởng mạnh, chiếm đến 5,6% thị phần tại thị trường Việt.
Dẫn báo cáo mới nhất từ GFK tháng 4 năm 2019, thị phần của Huawei vẫn đang giữ vững ở mức 5,1%, đứng vị trí thứ 4 tại Việt Nam sau Samsung (46,6%), Oppo (22,3) và Apple (7,5%).
Một thương hiệu con khác cũng thuộc Huawei đó là Honor, hãng này cũng cho thấy là một tay chơi không kém "đàn anh". Honor đang nắm giữ 3,8% thị phần di động tại Việt Nam, xếp vị trí thứ 5 theo báo cáo của GFK tháng 4/2019.
Tổng hai thương hiệu này cộng lại đã lớn hơn con số 7,5% thị phần của hãng đang nắm thị phần số 3 tại Việt Nam là Apple. "Với những con bài chiến lược về giá, công nghệ từ dòng cao cấp đưa xuống dòng phổ thông, Huawei thực sự là một "tay chơi" đủ tầm để đe dọa các thương hiệu khác trong thời gian tới nếu như không có chuyện xảy ra vừa qua", Ông Nguyễn Đạt, đại diện Di động Việt nhận định.
Ông này cũng cho rằng, nhu cầu mua sắm của người dùng Việt đã thay đổi khá nhiều trong vòng 2 năm trở lại đây. Họ không còn chi tiêu số tiền lớn dành cho smartphone. Họ lựa chọn sản phẩm hợp túi tiền, công nghệ tốt và đó cũng là 2 điểm mạnh mà Huawei đang có khi so với các thương hiệu Trung Quốc khác. Công ty này cũng đã chứng tỏ vị thế "con nhà giàu" khi chịu chi hơn các công ty Trung Quốc khác trong việc làm marketing để quảng bá sản phẩm và thương hiệu tại thị trường Việt. "Họ có thể giành lấy vị trí thứ 3, thậm chí là thứ 2 ở Việt Nam trong vài năm tới là điều có thể nhìn thấy được với tiềm lực kinh tế mạnh", ông Đạt nói thêm.
Theo thống kê mới từ Thế giới Di động, quý I năm nay, Huawei tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ tại hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Mức tăng trưởng quý I năm nay lên đến 125% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện này cũng cho rằng, nếu không có sự việc vừa qua, mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ai được hưởng lợi?
Nếu như mọi chuyện vẫn không có lối thoát, các lệnh cấm không được dỡ bỏ, đó sẽ là đòn giáng rất mạnh vào nỗ lực của Huawei tại Việt Nam.
Thực tế, khi xảy ra chiều hướng xấu nhất, Huawei sẽ khó tiếp cận đến những khách hàng tiềm năng của hãng ở Việt Nam, bởi rào cản đó là Google. Hầu như người dùng Việt khi đến với Android bởi sự ràng buộc của các dịch vụ độc quyền hãng này, từ Youtube, Gmail, Photos... Và nếu không có, dù có rẻ, có tốt đến cách mấy đi chăng nữa thì người dùng cũng khó mà chi tiền mua sắm.
Ở trường hợp xấu nhất, xét về mặt thị trường, người được hưởng lợi nhất ở Việt Nam đó là Samsung và Oppo. Một nhà bán lẻ nhận định, Samsung và Oppo đang nắm giữ thị phần lớn ở Việt Nam trong nhiều năm liền. Đặc biệt từ năm 2108 đến nay, thị phần của hai ông lớn này vẫn đang tiếp tục gia tăng mạnh mẽ với hàng loạt sản phẩm đánh đúng vào thị hiếu người dùng Việt.
Điều đó thể hiện khá rõ ràng trong các báo cáo hiện nay, chẳng hạn theo GFK tháng 4 năm nay, Samsung đã gia tăng cách biệt với các đối thủ khi nắm giữ đến 46,6% thị phần, cao hơn 41,5% của năm 2018. Oppo cũng tăng lên 22,3% khi so với năm 2018 là 21,5% thị phần.
Đối với Apple, có chăng chỉ được hưởng lợi đôi chút vì Huawei không đấu với hãng này ở các phân khúc mà Táo khuyết đang tấn công. Các báo cáo cũng chỉ rõ, Apple đã có những quý sụt giảm liên tiếp, thị phần 9,4% của năm 2018 cũng đã tụt xuống chỉ còn 7,5% thị phần trong những tháng đầu năm 2019. Sự sụt giảm nghiêm trọng này đến từ việc định vị sản phẩm của hãng này ở mức giá quá cao, đắt đỏ, vượt xa mức chi tiêu của đại đa số người dùng Việt.
Còn đối với các thương hiệu còn lại, thị phần của các thương hiệu này vẫn mãi dẫm chân tại chỗ, thậm chí sụt giảm thê thảm trong 2 năm trở lại đây. Điển hình Nokia từ 3,8% thị phần của năm 2018 xuống còn 2,8% thị phần của những tháng đầu năm 2019. Vivo từ 3,5% thị phần của năm 2018 cũng sụt giảm thê thảm biến khỏi top 10 nhà sản xuất smartphone tại Việt Nam. Có chăng, Realme, một thương hiệu đang lên khác đang tăng nhanh gần đây khi chiếm 2,4% thị phần di động Việt. Do đó, bước sảy chân của Huawei cũng sẽ đem đến lợi thế cho các thương hiệu nhỏ biết chuyển biến phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dùng Việt để hòng giành giật thị phần từ các ông lớn khác.
Tuy vậy, ông Trần Viết Quân, giám đốc công ty Ứng dụng di động xanh cũng có nhận định rằng, câu chuyện của Huawei nếu diễn biến theo chiều hướng xấu cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm của người dùng hiện nay đối với các thương hiệu Trung Quốc trong thời gian tới, chẳng hạn như Xiaomi, Realme, Oppo hay Vivo. Tất nhiên, tác động của thị trường không thể thể hiện rõ nét trong ngày một ngày hai và có lẽ tất cả đều đang "nín thở" chờ đợi động thái tiếp theo của Mỹ dành cho Huawei.
Thị trường sẽ không xáo trộn, người dùng thiệt thòi
Phía đại diện Thế giới Di động cũng chia sẻ, Huawei đang chiếm khoảng 6% thị phần của hệ thống này. Nếu tình huống xấu nhất của Huawei có xảy ra thì nó cũng sẽ không ảnh hưởng đến tổng thị trường và không tạo ra nhiều xáo trộn.
Nhận định này nhận được sự đồng thuận của các hệ thống bán lẻ khác tại Việt Nam. "Hiện tại chiếm tỉ lệ không cao, nên việc ngừng kinh doanh hoặc thậm chí rút khỏi Việt Nam của Huawei, tôi nghĩ không ảnh hưởng lớn đến thị trường di động Việt", ông Nguyễn Đạt, điều hành chuỗi Di động Việt chia sẻ.
"Thị phần ở mức 5-6% của Huawei tại Việt Nam thì không đủ sức gây ra tác động lớn cho toàn thị trường và chắc chắn sẽ không có sự xáo trộn lớn", ông Trần Viết Quân nhận định.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ này cũng cho rằng, tình huống xấu nhất có xảy ra thị đó cũng là một thiệt thòi cho người dùng. "Nếu Huawei ngừng kinh doanh smartphone, đó là một mất mát nhẹ về việc thiếu mất một sự lựa chọn cho khách hàng, vì những sản phẩm của Huawei đã và đang dần chứng mình cho người dùng biết được chất lượng và sự trải nghiệm khá tốt", ông Đạt nói thêm.
Góc nhìn khác, ông Quân cũng cho biết, người dùng sẽ thiệt thòi rất nhiều nếu lệnh cấm không được dỡ bỏ, đặc biệt là người dùng đang sử dụng điện thoại Huawei. Họ sẽ bị ảnh hưởng vì lệnh cấm khi đã lỡ bỏ tiền ra mua sản phẩm, thiệt thòi trăm bề.
"Nếu thị trường thiếu đi "tay chơi" đầy tiềm lực như Huawei sẽ thiếu đi đối thủ xứng tầm với các ông lớn khác, tạo ra thế cân bằng cho thị trường cũng như lợi ích về giá cho người mua", ông Nguyễn Đạt nhận định thêm.
Gia Hưng